Lịch sử Thánh thất Sài Gòn

Trước năm 1949, cơ sở hành Đạo của Châu đạo Sài Gòn đặt ở chùa Thái Hòa số 75 đường Cô Bắc, Quận 1. Đây nguyên một ngôi chùa của đạo Minh Sư hiến cho đạo Cao Đài để thờ phụng Chí Tôn và tín hữu Cao Đài quanh vùng về đây lễ bái vào các ngày lễ, mà cũng là nơi đặt văn phòng Khâm Châu Đạo Sài Gòn lúc bấy giờ. Ngày nay, nơi này là một Điện thờ Phật Mẫu rất khang trang gọi là Điện thờ Phật Mẫu Thái Hòa.

Vào năm 1949, do nhu cầu đạo sự Hộ pháp Phạm Công Tắc đã mua lại một villa kiểu Pháp, tọa lạc trên khuôn viên có diện tích là 931 mét vuông, địa chỉ lúc đó là 107 (nay là 891) đường Trần Hưng Đạo, quận 5, Sài Gòn, để đặt làm văn phòng liên lạc, để mỗi khi ông hoặc các chức sắc Thiên phong xuống Sài Gòn thì nghỉ ngơi và làm việc tại đây.

Về sau Hộ pháp Phạm Công Tắc trao cơ sở 107 Trần Hưng Đạo cho Châu đạo Sài Gòn để làm cơ sở hành đạo, lúc đó còn là nhà trệt, phía trước thờ Chí Tôn, phía bên thờ Phật Mẫu, còn dãy nhà hậu là nơi làm việc và nghỉ ngơi cho các chức sắc Hành chánh, Phước thiện và các ban bộ điều hành đạo sự tại địa phận Sài Gòn.

Đến năm 1973, Giáo hữu Thượng Đâu Thanh, Khâm châu Đạo Sài Gòn bấy giờ, đã cho xây cất phần hậu điện thêm lên 2 tầng, tầng 2 một bên thờ Đức Chí Tôn, một bên thờ Phật Mẫu để có rộng rãi hơn cho tín hữu chiêm bái vào những ngày lễ, tầng 1 làm phòng nghỉ ngơi, đổi phần trệt phía trước làm phòng hội, khánh tiết, tiếp tân, phần sau là phòng trù (nơi nấu nướng) và công trình phụ (nhà vệ sinh, phòng tắm công cộng v.v) và kiến tạo thêm cổng ra vào theo kiểu cửa tam quan.

Tiến trình xây dựng Thánh thất

Sau năm 1975, qua nhiều năm không sửa chữa, cơ sở này bị xuống cấp trầm trọng. Giữa thập niên 1990, khi chính sách tôn giáo cởi mở hơn, do nhu cầu củng cố và phát triển, các chức sắc và bổn đạo thuộc Tộc đạo Sài Gòn đã tổ chức một buổi họp lớn đưa đến quyết định xây cất lại thành Thánh thất theo mẫu số 4 của Tòa Thánh Tây Ninh[2].

Trên một khuôn viên nhất định của cơ sở cũ chỉ có 931 mét vuông nhưng yêu cầu xây cất Thánh thất theo mẫu số 4, ngoài tiêu chuẩn về kiến trúc mỹ thuật, còn phải đáp ứng cho yêu cầu hội họp, sinh hoạt cho một Tộc đạo đông đảo trên 5.000 tín đồ.[3], cũng như các nhu cầu sinh hoạt nghỉ ngơi cho chức sắc, chức việc và tín đồ các ban bộ thi hành đạo sự. Do đó, kiến trúc của Thánh thất này hoàn chỉnh với 3 tầng kiên cố:

  • Tầng trệt: phía trước là hội trường sinh hoạt của tín hữu và nơi làm việc của Ban Cai quản và các Ban Bộ của Tộc Đạo quận 5. Phía sau là nhà bếp và các công trình phụ (hồ chứa nước, nhà vệ sinh, nhà tắm công cọng).
  • Tầng 1: phía trước là nơi thờ phụng chư tiên linh Cửu huyền Thất tổ và phòng Khánh tiết, Tiếp tân, có bao lơn nhìn xuống đường Trần Hưng Đạo. Nơi đây cũng kiến trúc và trang trí rất lịch sự đẹp mắt. Phía sau là một dãy phòng biệt lập dành cho sự nghỉ ngơi.
  • Tầng 2 là phần chính, xây cất theo khuôn mẫu một Thánh thất của Cao Đài giáo gồm có lầu Hiệp Thiên Đài, lầu chuông, lầu trống, Cửu Trùng Đài, Bát Quái Đài. Tầng 2 nầy là một Thánh thất mẫu số 4, có trần đúc vòm cung, cột rồng, cùng các chi tiết tô đắp, sơn vẽ theo kiểu mẫu Đền Thánh trung ương thâu nhỏ.

Đây là một công trình khá lớn trong cửa Đạo, được xây cất trong vòng 2 năm, tính từ ngày lễ đặt viên đá đầu tiên ngày 4 tháng 2 năm Kỷ Mão (tức 21 tháng 3 năm 1999), đến ngày 12 tháng 3 năm Canh Thìn (tức 16 tháng 4 năm 2000) đã làm lễ An vị Thánh tượng Thiên nhãn, và được khánh thành ngày 24 tháng Năm Tân Tỵ (tức 14 tháng 7 năm 2001). Tổng kinh phí xây cất xấp xỉ 1.335.496.000 đồng (tương đương khoảng 100.000 USD theo tỷ giá hiện tại), là một số tiền vô cùng lớn lúc bấy giờ.